LỄ KỶ NIỆM 200 NĂM NGÀY TIẾN SĨ NGUYỄN Ý ĐỖ NHẤT BẢNG – ĐÌNH NGUYÊN NĂM MINH MỆNH THỨ BA (1822 -2022)”

18/11/2022 15:28

“LỄ KỶ NIỆM 200 NĂM NGÀY TIẾN SĨ NGUYỄN Ý ĐỖ NHẤT BẢNG – ĐÌNH NGUYÊN NĂM MINH MỆNH THỨ BA (1822 -2022)”

*TIẾN SĨ NGUYỄN Ý (懿阮) là đại khoa Tiến sĩ đầu tiên triều Nguyễn và là Đình nguyên mở đầu của triều Nguyễn, tên của ông đứng đầu trong văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi Hội năm Nhâm ngọ niên hiệu Minh Mệnh thứ ba (1822) hiện còn lưu tại Văn Miếu Huế. Ông là một người học rộng, tài cao, một tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, là một nhân cách lớn của dân tộc, ông được xem là người có quan điểm tiến bộ, tư tưởng vượt thời gian về công tác giáo dục đào tạo và trọng dụng nhân tài.

* Tiểu sử:

- Ông sinh năm Bính Thìn 1796, mất ngày 04/01 âm lịch (không rõ năm mất).

- Quê quán: Thôn Thị - xã Vân La - huyện Thanh Trì - phủ Thường Tín - trấn Sơn Nam Thượng (Nay là Thôn Vân La - xã Hồng Vân - huyện Thường Tín - Hà Nội).

- Năm Minh Mệnh thứ hai, tháng 9/1821: Ông đỗ Cử nhân trong kỳ thi Hương.

- Năm Minh Mệnh thứ ba, tháng 3/1822: Ông đỗ khoa thi Hội.

- Năm Minh Mệnh thứ ba, tháng 4/1822: Ông đỗ đầu khoa thi Đình do nhà vua trực tiếp ra đề và chấm thi tại điện Cần chính được ban Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân.

- Năm Minh Mệnh thứ ba, tháng 9/1822, Ông được bổ nhiệm làm quan Hàn Lâm Viện Tu Soạn tại Hàn Lâm Viện, không lâu sau thì mất.

- Nguyễn Ý có 3 người con là Nguyễn Dao, Nguyễn Thục và Nguyễn Thiệu. Ông được thờ tại nhà thờ dòng họ Nguyễn- nơi thờ cụ tổ đời thứ nhất là Nguyễn Cuông (đỗ Tú tài), đời thứ hai là Nguyễn Ý (đỗ Tiến sĩ), đời thứ ba là Nguyễn Dao (đỗ Cử nhân).

* Theo Đại Nam Thực Lục- là bộ chính sử lớn nhất, quan trọng nhất của nhà Nguyễn, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, có ghi:

- Tân Tỵ, năm Minh Mệnh thứ 2 [1821], mùa thu, tháng 9: Thi Hương ân khoa. Khi danh sách đệ lên, lấy đỗ tất cả 92 Hương cống, tại Trường Sơn Nam 34 người, trong đó có Nguyễn Ý.

- Nhâm Ngọ, năm Minh Mệnh thứ 3 [1822], mùa xuân, tháng 3: Vua Minh Mệnh dụ rằng: “Khoa thi Hội này là khoa đầu tiên, là điển lễ quan trọng, các ngươi nên rất mực công bằng, đừng phụ lời khuyên bảo của trẫm”. Khoa này, Hương cống, Giám sinh dự thí là 164 người. Các kỳ đệ nhất, đệ nhị, đệ tam đều do vua ra đề, kỳ đệ tứ thì vua sai quan trường ra đề. Kết quả lấy 5 quyển trúng cách dâng lên. Vua hiềm là ít, bảo rằng : “Hoàng khảo xưa chưa mở thi Hội, thực là vì trải qua loạn ly, học trò thất học, phải chờ khi giáo dục thành tài. Nay nước nhà đào tạo nhân tài đã lâu mà khoa thi chỉ trăm người lấy trúng được mười, mười người lấy trúng được một, dự tuyển chỉ được có thế thì sao xứng với ý tốt của trẫm kén chọn nhân tài”. Bèn sai lấy thêm. Thế rồi lấy trúng cách 8 người trong đó có Nguyễn Ý.

- Nhâm Ngọ, năm Minh Mệnh thứ 3 [1822], mùa hạ, tháng 4: Thi Cống sĩ ở điện Cần Chính. Cho Nguyễn Ý đậu Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân và 7 người đậu Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.

- Nhâm Ngọ, năm Minh Mệnh thứ 3 [1822], mùa thu, tháng 9: Cho Tiến sĩ Nguyễn Ý làm Hàn lâm viện Tu soạn. Nguyễn Ý không bao lâu thì chết.”

* Quan điểm về giáo dục, đào tạo và trọng dụng nhân tài của Tiến sĩ Nguyễn Ý trong văn sách thi Đình của mình:

Trong bài văn sách thi của mình, khi bàn về đạo trị nước, Tiến sĩ Nguyễn Ý cho rằng: “Trị dân không gì trước hơn việc dạy học, Trị nước không gì quan trọng hơn nhân tài, tìm khắp hỏi rộng, thu nhận rộng, bồi dưỡng khắp, làm thế nào để có thể khiến cho chia mưu, chung nghĩ, sáng rõ công việc để đưa đến hiệu quả vô vi”.

Tiến sĩ Nguyễn Ý cũng đã đưa ra ý tưởng của mình để xây dựng đội ngũ hiền tài cho xã hội, theo ông cần phải đào tạo từng bước để đào tạo nên đội ngũ hiền tài cho đất nước sử dụng.“Ngày dầm tháng thấm, phả vào mắt, rót vào tai, có thể đạt hiệu quả “sau một đời sẽ có nhân”. Cho rằng, trị nước không gì quan trọng bằng nhân tài, mừng thánh triều để thực sự được người, nhưng mong chia mưu cùng lo, làm sáng tỏ công việc, ắt giữ chức đều là quân tử”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ý thì hiền tài quả thực như những vật báu trên đời. Theo ông nhân tài “như châu ở biển, ngọc trong núi tìm rất khó khăn, bồi dưỡng hết mức mới thu vét được ẩn sót. Vì thế cổ nhân mới có nỗi lo thiếu nhân tài vậy. Vâng điều thánh thu vét hiền tài, chọn lựa thu khắp, không để sót cỏ chỉ ở khi, hoa lan trong núi. Đường cầu hiền đã rộng, những các sĩ tỏ rõ ở đức thường tự sẽ thu hút vào triều đình “người chín đức đều được làm việc”. Với người xưa thì khó ở được người, mà ngày nay được khắp thì lại không khó vậy”.

Như vậy, qua bài văn sách của Tiến sĩ Nguyễn Ý cho thấy được tính thực tiễn của nội dung, có thể coi là những “bản tấu” lên triều đình về đường lối trị nước. Các vấn đề đặt ra trong các bài văn sách thi Đình đều là những vấn đề cốt lõi để xây dựng xã hội thịnh trị. Bài văn sách có tính thực tế cao, nhưng chính kỳ thi cũng mang tính thực dụng rất lớn. Có thể cho rằng đằng sau việc kén chọn nhân tài ra làm quan giúp vua cai trị, thì nhà nước như thông qua kỳ thi Đình để tham khảo ý kiến thực thi về những vấn đề cốt lõi liên quan đến thịnh suy của xã hội. Những vấn đề như chính sách trọng dụng hiền tài... đối với chúng ta hiện nay vẫn còn nguyên giá trị. Đề bài thi gắn liền với thực tế trong các bài văn sách thi Đình dưới triều Nguyễn thực sự cho chúng ta phải suy ngẫm. Có chăng, cần nhấn mạnh yếu tố thời sự trong các đề thi Đại học, Cao Đẳng… và trong công tác đào tạo của nước ta hiện nay. Điều đó, trong xu thế hội nhập này quả thật rất cần thiết.

* Với những tài trí và sự cống hiến của to lớn của ông, Tiến sĩ Nguyễn Ý được tôn thờ tại Văn Từ Thượng Phúc- do UBND huyện Thường Tín xây dựng nhằm phát huy giá trị truyền thống khoa bảng, truyền thống hiếu học của huyện Thượng Phúc xưa, huyện Thường Tín ngày nay, khôi phục lại trung tâm thờ tự và tôn vinh các bậc hiền tài, các nhà khoa bảng đại khoa, các nhà tri thức khoa cử của huyện Thường Tín. Tại Văn Từ Thượng Phúc, gian thờ Tiến sĩ Nguyễn Ý có bức hoành phi “Lai Khai Vãng Kế” mang hàm nghĩa Kế thừa sự nghiệp của đời trước, mở mang con đường cho đời sau. Vế đối: “Tài cao chí lớn yêu nước thương dân Tiến sĩ Đình nguyên” có nghĩa ca ngợi Tiến sĩ Đình nguyên Nguyễn Ý là người tài cao chí lớn rất mực yêu nước, thương dân.

Tại nhà thờ dòng họ của Tiến sĩ Nguyễn Ý, có bức đại tự đề 4 chữ: “Ẩm Hà Tư Nguyên”, nghĩa là Uống nước nhớ nguồn. Đôi câu đối ở hai bên cột hiên nhà thờ: “Văn chương tiêu nhất giáp/ Khoa đệ vĩ đồng châu”, hàm nghĩa Văn chương giỏi nhất vùng, bao la như châu thổ. Những bức hoành phi, câu đối tại các di tích thờ Tiến sĩ Nguyễn Ý đều mang hàm nghĩa ca ngợi ông là người học rộng, tài cao, một tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, là một nhân cách lớn của dân tộc.

* Tại quê hương của ông, trên mảnh đất Hồng Vân ngày nay, UBND xã đã xây dựng công trình Nhà bia Tiến sĩ Nguyễn Ý để tưởng nhớ đến ông. Nơi đây hàng năm UBND xã Hồng Vân tổ chức lễ tuyên dương học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong học tập. Tên của ông được đặt cho Quỹ Khuyến học của xã và cũng được đặt tên cho tuyến đường trung tâm của xã Hồng Vân. Ngày nay các di tích gắn liền với thân thế, sự nghiệp của ông trên mảnh đất Hồng Vân đều là những địa điểm thu hút khách du lịch. Tiến sĩ Nguyễn Ý là niềm tự hào không chỉ của người dân làng Vân La nói riêng mà còn là niềm tự hào của người dân của xã Hồng Vân. Ông mãi mãi là một tấm gương sáng về tinh thần hiếu học để các thế hệ người Hồng Vân ngày nay và mai sau luôn ngưỡng vọng, học tập và noi theo.

------------------------------------------------------------------------------------------

* Toàn văn bài thi văn sách của Tiến sĩ Nguyễn Ý (Nguyên văn, phiên âm và dịch nghĩa): https://drive.google.com/.../1wSecr1LEvgNAkWEKViiFez.../view

* Tài liệu tham khảo:

1. Đại Nam thực lục, (bản dịch), Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Nxb. Giáo Dục, Hà Nội.

2. Văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội, tập 1, tập 2, Nguyễn Văn Thịnh (chủ trì) (2010), Nxb. Hà Nội, Hà Nội.

3. Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi Hội năm Nhâm Ngọ niên hiệu Minh Mệnh thứ 3 (1822), Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

4. Lịch khoa Hội Đình văn tuyển, A.1759/2, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

5. Tạp chí Sông Hương, số 318, Lê Thị Thanh Giao.

6. Báo Hanoimoi, Tiến sĩ Nguyễn Ý và quê hương Vân La

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết '本 知 果 相 同 皇 帝 制 之 起 之 播 事 於 無 日 所 有 後 育 違 君 有 無 于 用 術 士 從 餐 而 æ” 正 治 ç 之 無 前 道 到 基 é 延 垂 英 治 上 ヌ 如 何 可 所 九 官'

Có thể là hình ảnh về ngoài trời

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'ĐẢNG ỦY HĐND UBND UB MTTQ VIỆT NAM XÃ HỒNG VÂN LỄ KÝ NIEM 200 NĂM NGÀY TIẾN SÝ NGUYỄN Ý ĐỖ NHẤT BẢNG ĐÌNH NGUYÊN NĂM MINH MỆNH THỨ BA 1822- 2022) 40 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/1 1/1 20/1 1/2022); VINH DANH, KHEN THƯỞNG CÁC TẬP THỂ CÁ NHÂN CÓ THÀNH TÍCH XUẤT SẮC NĂM HỌC 2021 2022 Hồ“ng Vân, ngày 20 tháng 11 năm 2022'

Ảnh 1: Tượng Tiến sĩ Nguyễn Ý - tại Văn Từ Thượng Phúc huyện Thường Tín.

Ảnh 2: Nhà thờ dòng họ Tiến sĩ Nguyễn Ý - tại quê hương Vân La, Hồng Vân. Ảnh

3: Nhà bia Tiến sĩ Nguyễn Ý - tại quê hương Vân La, Hồng Vân Ảnh

4: Bia đề danh Tiến sĩ Nguyễn Ý - tại Văn miếu Huế. Ảnh

5: Văn bia tại nhà thờ dòng họ Tiến sĩ Nguyễn Ý. Ảnh

6: Đường Nguyễn Ý - tuyến đường trung tâm tại quê hương Hồng Vân. Ảnh

7: Trang mở đầu bài thi văn sách viết tay của Tiến sĩ Nguyễn Ý.